Lịch sử phát triển

08/04/2021

Vân Đồn là huyện miền núi, hải đảo nằm ở phía Đông Nam của tỉnh Quảng Ninh, Đông Bắc của Tổ quốc Việt Nam; có hơn 600 hòn đảo lớn nhỏ với diện tích 2.171,33 km2, trong đó diện tích mặt biển là 1.589,5 km2, diện tích đất nổi là 581,83 kmđược hợp thành bởi 2 quần đảo: Kế Bào và Vân Hải; có vị trí chiến lược hết sức quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước, là một trong những cái nôi của nền văn hóa Hạ Long.

Tên Vân Đồn lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử Việt Nam từ thời Lý. Năm 1149, vua Lý Anh Tông chính thức lập trang Vân Ðồn - thương cảng đầu tiên của Đại Việt trong giao thương với các nước khu vực Đông Nam Á và thế giới; thương cảng Vân Đồn thịnh vượng dưới triều đại  - Trần. Năm 1288, trên dòng sông Mang lịch sử, dưới sự chỉ huy của tướng Trần Khánh Dư, ta đã đánh tan đoàn thuyền lương của quân xâm lược Nguyên - Mông, làm lên chiến thắng Vân Đồn, góp thêm chiến công hiển hách, lưu danh sử vàng hào hùng chống giặc ngoại xâm của dân tộc.

Thương cảng cổ Vân Đồn (Ảnh tư liệu)

Năm 1858, thực dân Pháp nổ súng xâm lược nước ta. Pháp đã tiến hành công cuộc khai thác thuộc địa ở Vân Đồn bằng việc thành lập Mỏ than Kế Bào. Phong trào đấu tranh giải phóng giai cấp, giải phóng dân tộc của nhân dân ta chống lại sự cai trị hà khắc, sự áp bức, bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và bộ máy bạo lực của chính quyền phong kiến diễn ra liên tục từ tự phát lên tự giác, tiêu biểu là khởi nghĩa của Đề Hồng, Cai Thái (năm 1890-1895).

Năm 1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân ta một lòng đi theo Đảng, làm cuộc cách mạng tháng Tám thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Thắng lợi của cuộc Cách mạng tháng Tám mở ra kỷ nguyên mới- kỷ nguyên của độc lập tự do và chủ nghĩa xã hội, tạo thế và đà cho quân và dân trong huyện khởi nghĩa giành chính quyền. Ngày 27/9/1945, ta giành được chính quyền ở châu Cẩm Phả (nay là huyện Vân Đồn), người dân huyện đảo từ đây đã thoát khỏi cuộc đời nô lệ, tự mình đứng lên làm chủ quê hương và vận mệnh của mình.

Niềm vui độc lập chưa được bao lâu thì thực dân Pháp bội ước, trở lại xâm lược nước ta một lần nữa. Ngày 19/12/1946, cuộc kháng chiến toàn quốc bùng nổ. Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ, nhân dân các dân tộc Cẩm Phả cùng cả nước bước vào cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ, quyết tâm khắc phục khó khăn, tăng gia sản xuất, chống giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm, xây dựng và bảo vệ chính quyền cách mạng. Sau khi kháng chiến toàn quốc nổ ra, các xã thuộc quần đảo Vân Hải do bị mất liên lạc với cấp trên nên phong trào kháng chiến gặp khó khăn. Lợi dụng thực dân Pháp chưa kiểm soát được tình hình, nhân dân các xã tự xây dựng lực lượng kháng chiến, dưới sự lãnh đạo của chính quyền cách mạng.

Tháng 10/1947, chiến khu III quyết định sáp nhập các xã thuộc quần đảo Vân Hải về huyện Thụy Anh, tỉnh Thái Bình. Thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy Thái Bình, ngày 18/11/1947, xã Vân Hải được thành lập, bao gồm các xã trên quần đảo Vân Hải (Ngọc Vừng, Quan Lạn, Bản Sen, Minh Châu). Tháng 01/1948, chi bộ xã Vân Hải được thành lập. Tiếp đó, ngày 14/12/1948, chi bộ xã Đoàn Kết thuộc quần đảo Cái Bầu được thành lập. Ngày 26/12/1948, Uỷ ban kháng chiến Hành chính Liên khu I ra Quyết định số 420- TGY chia Liên tỉnh Quảng Hồng thành tỉnh Quảng Yên và Khu đặc biệt Hòn Gai. Khu đặc biệt Hòn Gai bao gồm: Thị xã Hòn Gai, thị xã Cẩm Phả và huyện Cẩm Phả (bao gồm quần đảo Cái Bầu, xã Cộng Hoà, xã Văn Châu và quần đảo Vân Hải). Huyện Cẩm Phả ra đời từ đây; ngày 26/12/1948 đã trở thành một dấu mốc lịch sử không thể nào quên trong lòng bao thế hệ người dân huyện đảo. Cuối năm 1948, Huyện ủy Thụy Anh đã bàn giao chi bộ xã Vân Hải về huyện Cẩm Phả; đồng thời, Ban cán sự Đảng được thành lập, trực thuộc Đặc khu ủy Hòn Gai, do đồng chí Phạm Văn Tuệ (tức đồng chí Hàn) làm Bí thư.

Ngày 24/6/1950, Đảng bộ huyện được thành lập (Ban Chấp hành gồm 4 đồng chí: đồng chí Nguyễn Huy Trợ (làm Bí thư Đảng bộ), đồng chí Bát, đồng chí Lợi và đồng chí Trần Trọng Bình), đã lãnh đạo nhân dân trong huyện kháng chiến đi đến thành công.

Từ ngày 12 đến ngày 14/12/1958, Đảng bộ huyện Cẩm Phả đã tiến hành Đại hội Đại biểu lần thứ nhất, 54 đại biểu đại diện cho 92 đảng viên trong toàn Đảng bộ về dự. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành mới gồm 11 ủy viên chính thức, 2 ủy viên dự khuyết. Đồng chí Lương Ngọc Mai được bầu làm Bí thư Huyện ủy.

Đế quốc Mỹ bị thất bại thảm hại ở chiến trường miền Nam, âm mưu mở rộng chiến tranh ra miền Bắc, chống phá sự nghiệp xây dựng CNXH ở miền Bắc. Đảng bộ và nhân dân huyện đảo nêu cao tinh thần chủ nghĩa anh hùng cách mạng, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước chống Mỹ sôi nổi với khẩu hiệu “Tất cả cho sản xuất, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Với tinh thần vừa chiến đấu vừa sản xuất, phối hợp hiệp đồng chiến đấu chặt chẽ, quân và dân trong huyện đã bắn rơi 37 máy bay giặc Mỹ, bắt sống nhiều giặc lái Mỹ (trong đó có chiếc máy bay thứ 200 của Mỹ trên bầu trời tỉnh Quảng Ninh) góp phần làm nên chiến thắng lịch sử giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Trong những năm 1961-1965, Đảng bộ huyện cẩm Phả đã tiến hành 4 nhiệm kỳ Đại hội (từ Đại hội lần thứ II đến Đại hội lần thứ V). Ngày 16-7-1964, Bộ  Nội Vụ ra Quyết định số: 198-NV, sáp nhập xã Cô Tô và Thanh Lân (nay là huyện Cô Tô) trực thuộc Ủy ban Hành chính tỉnh Quảng Ninh vào huyện Cẩm Phả. Đảng bộ Cô Tô và Thanh Lân được sáp nhập vào Đảng bộ huyện Cẩm Phả.

Giai đoạn 1965-1975, Đảng bộ và nhân dân huyện Cẩm Phả vừa phải lãnh đạo nhân dân trong huyện tiếp tục xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa đánh trả chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, cùng đồng bào cả nước chi viện cho cách mạng Miền Nam. Đảng bộ huyện đã tổ chức các kỳ đại hội từ Đại hội lần thứ VI đến Đại hội lần thứ XII để đề ra phương hướng, nhiệm vụ phát triển tại địa phương. Trong đó, Đại hội Đảng bộ lần thứ XII bắt đầu từ ngày 02 đến ngày 04/6/1975. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa mới; đồng chí Lương Ngọc Mai được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Để đáp ứng được tình hình và nhiệm vụ mới của cách mạng, công tác xây dựng Đảng phải luôn được tăng cường; Đảng bộ huyện thực hiện cuộc chỉnh huấn mùa xuân nhằm nâng cao nhận thức cách mạng của đảng viên trước tình hình cách mạng mới, từ đó xác định nhiệm vụ của mình với đất nước và vận mệnh của dân tộc, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.

Trong 2 cuộc kháng chiến anh dũng chống Pháp và chống Mỹ, Đảng bộ và nhân dân huyện Vân Đồn được Đảng và Nhà nước tặng thưởng 85 Huân chương Chiến công; 1.772 Huân ch­ương Kháng chiến; 2.577 Huy ch­ương Kháng chiến; 9 Huân ch­ương Lao động. Ba đơn vị anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, đó là: Quân và dân xã Ngọc Vừng, Xã Đoàn Kết và Ban Công an xã Minh Châu. Công ty Vân Hải Viglacera được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng lao động thời kỳ đổi mới. Có 14 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng. Toàn huyện có 283 liệt sỹ và 141 thương binh. Với những thành tích trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc huyện Vân Đồn vinh dự được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ tranh nhân dân.

Bác Hồ ra thăm đảo Ngọc Vừng (Ảnh tư liệu)

Sau đó, cùng nhân dân cả nước bước vào giai đoạn khôi phục kinh tế, khắc phục hậu quả nặng nề của chiến tranh. Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Tỉnh uỷ, Đảng bộ, chính quyền nhân dân các dân tộc trong huyện từng bước vượt qua thách thức khó khăn, tổ chức thực hiện đường lối đổi mới đất nước của Đảng.

Từ ngày 15 đến ngày 02/9/1986, Đảng bộ huyện cẩm Phả đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XVI. Đồng chí Chu Xuân Thảo được bầu làm Bí thư Huyệu ủy. Tháng 11/1986, Tỉnh ủy điều động đồng chí Chu Xuân Thảo đi nhận nhiệm vụ khác, đồng chí Phạm Học được cử làm Bí thư Huyện ủy. Năm 1986, điện lưới quốc gia đã vượt biển đảo đến với nhân dân các xã tuyến trung tâm của huyện. Tiếp đó, dưới sự chỉ đạo sát sao của Trung ương, của Tỉnh cùng sự nỗ lực của địa phương, đã có hàng trăm km đường các xã đảo và các bến cập tàu được đầu tư xây dựng bằng nguồn vốn chương trình biển Đông- Hải đảo.

Từ 1989 đến 1991, Đảng bộ huyện Cẩm Phả tiến hành 02 kỳ Đại hội đại biểu (lần thứ XVII, XVIII). Đặc biệt, quá trình thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVIII diễn ra trong bối cảnh thế giới có nhiều thay đổi lớn và tác động sâu sắc đến tình hình nước ta. Bên cạnh những thuận lợi về đối ngoại và quan hệ quốc tế được mở rộng, đất nước vẫn bị kẻ thù bao vây, cấm vận làm cho nước ta đã khó khăn lại càng khó khăn thêm.

Ngày 23/3/1994, Chính phủ ra Quyết định số 28/CP, tách hai xã Cô Tô và Thanh Lân của huyện Cẩm Phả để thành lập huyện Cô Tô. Đổi tên huyện Cẩm Phả thành huyện Vân Đồn. Tháng 7/1994, đồng chí Nguyễn Thanh Sửu, Bí thư Huyện ủy đi nhận nhiệm vụ làm Bí thư Đảng bộ huyện Cô Tô; đồng chí Nguyễn Minh Trang, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện được cử giữ chức Quyền Bí thư Huyện ủy từ tháng 7/1994 đến tháng 12/1994. Từ tháng 1/1995, đồng chí Phạm Thị Hòe được cử làm Bí thư Huyện ủy.

Từ ngày 29/2 đến ngày 01/3/1996, Đảng bộ huyện Vân Đồn đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XIX. Đây là đại hội cuối cùng của Đảng bộ trong thế kỷ thứ XX với sự tham dự của 120 đại biểu đại diện cho 1.079 đảng viên ở 36 tổ chức cơ sở của Đảng bộ. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XIX, gồm 33 đồng chí. Đồng chí Phạm Thị Hòe được bầu làm Bí thư Huyện ủy, đến tháng 12/1999, đồng chí Hòe chuyển công tác. Tháng 4/2000, đồng chí Vũ Minh Thiết- Phó Bí thư Huyện ủy được cử làm Bí thư Huyện ủy.

Đại hội lần thứ XX của Đảng bộ huyện Vân Đồn được tiến hành từ ngày 5-11 đến ngày 07/11/2000. Đại hội khởi đầu cho việc thực hiện nhiệm vụ chính trị những năm đầu tiên bước vào thiên niên kỷ mới- thế kỷ XXI. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành Đảng bộ khóa XX gồm 33 đồng chí. Đồng chí Vũ Minh Thiết tiếp tục được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Đại hội đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ của Đảng bộ và nhân dân trong huyện nhiệm kỳ 2000-2005 là: Đẩy mạnh công cuộc đổi mới toàn diện theo định hướng xã hội chủ nghĩa; tranh thủ thời cơ, mở rộng quan hệ hợp tác, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn; đổi mối và hoàn thiện quan hệ sản xuất, tăng cường công tác quản lý của các cấp chính quyền về kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng, giữ vững an ninh chính trị, nâng cao đời sống của nhân dân, tạo điều kiện cho bước phát triển sau những năm 2005.

Tháng 01/2005, cầu Vân Đồn được hoàn thành và đưa vào sử dụng, nối huyện đảo với đất liền, tạo tiền đề thúc đẩy kinh tế - xã hội của huyện phát triển. Từ ngày 10 đến ngày 12/10/2005, Đảng bộ huyện Vân Đồn đã tiến hành Đại hội lần thứ XXI. Thực hiện chủ trương của Trung ương, của tỉnh, căn cứ vào tình hình thực tế của địa phương, Đại hội đã đề ra phương hướng phát triển kinh tế - xã hội trong 5 năm 2005-2010 và tầm nhìn đến năm 2020: Xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn trở thanh khu du lịch sinh thái biển chất lượng cao, gắn với nuôi trồng chế biến hải sản, đặt Vân Đồn trong tổng thể phát triển khu vực Bắc Bộ và cả nước, với vị trí là trọng tâm phát triển ra biển và giao thương quốc tế.

Ngày 26/7/2007, Thủ tướng chính phủ có Quyết định 120/2007/QĐ- TTg về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Khu Kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; đến ngày 19/8/2009, Thủ tướng chính phủ có Quyết định 1296/2009/QĐ- TTg về Phê duyệt quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 với định hướng xây dựng Khu Kinh tế Vân Đồn trở thành Khu Kinh tế tổng hợp, là trung tâm du lịch biển đảo chất lượng cao, là đầu mối giao thương quốc tế với hệ thống hạ tầng được đầu tư hiện đại, đồng bộ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực Đông Bắc của Tổ quốc.

Từ ngày 4-8 đến ngày 6-8-2010, Đảng bộ huyện Vân Đồn tổ chức Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2010-2015. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ huyện nhiệm kỳ XXII gồm 39 đồng chí. Đồng chí Tạ Duy Thịnh được bầu làm Bí thư Huyện ủy. Đến tháng 8-2011, đồng chí Tạ Duy Thịnh chuyển công tác, đồng chí Đoàn Văn Chỉnh - Tỉnh ủy viên, Bí thư Đảng ủy Dân - Chính - Đảng tỉnh được điều động về giữ chức Bí thư Huyện ủy. Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII là một dấu mốc quan trọng của huyện Vân Đồn trên con đường đổi mới, hội nhập và phát triển; góp phần quan trọng cùng các địa phương trong tỉnh đưa Quảng Ninh cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp vào năm 2015.

Đặc biệt là các công trình đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô (khánh thành và đưa vào sử dụng vào tháng 10/2013) và 5 xã đảo của huyện Vân Đồn ( khánh thành và đưa vào sử dụng tháng 12/2014) được đánh giá là các dự án “thần tốc” về thời gian và chất lượng. Đây là những công trình đi đầu trong cả nước với việc đưa điện lưới vượt biển ra đảo bằng công nghệ chôn cáp ngầm dưới biển. Dòng điện thắp sáng vùng biển trời Đông Bắc của Tổ quốc sẽ nối nơi đây gần hơn với đất liền.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đến thăm và làm việc tại huyện Vân Đồn (Ảnh Báo Quảng Ninh)

Ngày 6/4/2012, Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với UBND tỉnh tổ chức Lễ công bố Quy hoạch Cảng hàng không Quảng Ninh giai đoạn 2020, định hướng đến năm 2030. Ngày 11/7/2018 chuyến bay hiệu chuẩn đầu tiên đã hạ cánh an toàn tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn (sân bay Vân Đồn), đánh dấu một cột mốc mới trong quá trình chuẩn bị đưa vào vận hành chính thức. Đây là thời cơ, vận hội lớn đối với huyện Vân Đồn trên con đường xây dựng, hội nhập và phát triển.

Đảng bộ huyện Vân Đồn đã tiến hành Đại hội đại biểu lần thứ XXIII vào ngày 22-23/7/2015. Đại hội đã bầu 40 đồng chí vào BCH Đảng bộ huyện khóa XXIII. Đại hội chỉ rõ mục tiêu: Tiếp tục đổi mới phương thức, nâng cao năng lực lãnh đạo, tăng cường cải cách hành chính, tập trung khai thác nguồn lực thế mạnh cho đầu tư phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vật chất, đảm bảo an ninh quốc phòng, trật tự xã hội, phấn đấu nông thôn đạt tiêu chí nông thôn mới tiến tiến, tạo tiền đề cho xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn. Đồng chí Đoàn Văn Chỉnh, Bí thư Huyện ủy khóa XXII tái đắc cử chức vụ Bí thư Huyện ủy khóa XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020. Đến tháng 8/2018, đồng chí Tô Xuân Thao- nguyên Giám đốc Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Ninh, được tổ chức phân công giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy cho đến nay.

Đại hội Đảng bộ huyện Vân Đồn lần thứ XXIV nhiệm kỳ 2020 - 2025

Với những thành tích đã đạt được trong nhiều năm qua, năm 2000, cán bộ, nhân dân và các lực lượng vũ trang huyện đảo Vân Đồn vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; năm 2001, được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất; năm 2003, được nhận cờ thi đua của Chính phủ. Đặc biệt ngày 26/12/2018, huyện Vân Đồn long trọng tổ chức kỷ niệm 70 năm thành lập huyện; Đảng bộ, chính quyền, quân và dân huyện Vân Đồn đã vinh dự được Chủ tịch Nước tặng thưởng Huân chương Độc Lập hạng Ba.

Quyết định số 1856/QĐ-TTg “về việc phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 27/12/2018, với mục tiêu xây dựng Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2030 trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực với trọng tâm phát triển là ngành dịch vụ và các ngành sử dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, phát triển ngành nghề mới, công nghệ mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ logistics, du lịch cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại mang tầm quốc tế, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế của khu vực. Đến ngày 17/2/2020, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục ban hành Quyết định số 266/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2040. Theo đó, Vân Đồn được quy hoạch thành khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển - đảo cấp cao, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế, tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại chất lượng cao, có thương hiệu và cạnh tranh quốc tế; Vân Đồn được xác định là đô thị biển đảo xanh, hiện đại và thông minh, bền vững và là khu vực có vị trí bền vững về an ninh quốc phòng.

Vân Đồn được quy hoạch thành Khu Kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực

Các Quyết định nêu trên của Thủ tướng Chính phủ có ý nghĩa quan trọng trong chiến lược xây dựng và phát triển của Vân Đồn cũng như của tỉnh Quảng Ninh và Quốc gia. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc quản lý đầu tư xây dựng, thu hút các nhà đầu tư, tổ chức phân bố dân cư, phân bố đô thị, phân bố không gian các khu chức năng và xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đồng bộ nhằm đảm bảo môi trường sống bền vững, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn Vân Đồn. 

Cùng với đó, hàng loạt các dự án, công trình động lực của Khu Kinh tế trong thời gian qua đã được đầu tư và đưa vào sử dụng: Dự án đưa điện lưới ra 05 xã đảo của huyện cùng với Cô Tô được đánh giá là một dự án “thần tốc” về thời gian và chất lượng; là công trình đi đầu trong cả nước với việc đưa điện lưới vượt biển ra đảo bằng công nghệ chôn cáp ngầm dưới biển; dòng điện thắp sáng vùng biển trời Đông Bắc của Tổ quốc sẽ nối nơi đây gần hơn với đất liền. Cảng Hàng không quốc tế Vân Đồn, niềm tự hào của nhân dân Quảng Ninh được khánh thành năm 2018 với tổng mức đầu tư trên 7000 tỷ đồng; đây là sân bay do Tập đoàn Sun Group làm chủ đầu tư và là sân bay tư nhân đầu tiên của Việt Nam; Tuyến đường cao tốc Hải Phòng- Hạ Long- Vân Đồn- Móng Cái với chiều dài gần 176 km; Dự án Tuyến đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng có tổng chiều dài trên 10 km với tổng mức đầu tư trên 1.800 tỷ đồng; Cảng khách cao cấp Ao Tiên được khánh thành năm 2022 đã kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông... Tất cả đã làm cho diện mạo huyện Vân Đồn được nhanh chóng đổi thay từng ngày.

Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn khởi công xây dựng năm 2015 và được khai thác đưa vào sử dụng ngày 30/12/2028

Bước vào nhiệm kỳ 2020 - 2025, trong bối cảnh đại dịch Covid-19 có nhiều tác động tiêu cực, song Đảng bộ và Nhân dân huyện Vân Đồn đã đoàn kết, nỗ lực khắc phục những khó khăn, thử thách, tập trung triển khai đồng bộ, toàn diện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV và Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp. Với những chủ trương, giải pháp đồng bộ và mục tiêu giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển” Huyện đã thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội. Sau 2,5 năm triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, nhiệm kỳ 2020- 2025, Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Vân Đồn đã đạt được những kết quả quan trọng:

Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn được đưa vào khai thác từ tháng 2/2019

Kinh tế giai đoạn 2021- 2023 liên tục được phát triển và ổn định: Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2021- 2023 đạt 27,5%; thu nhập bình quân đầu người đạt 141,851 triệu đồng/năm tương đương 6.100 USD/người; Cơ cấu kinh tế chuyển dịch cơ bản đúng hướng (tỷ trọng dịch vụ: 31,6%; công nghiệp - xây dựng: 48,8%; nông, lâm, thủy sản: 19,6%); Tổng thu ngân sách Nhà nước trên địa bàn đạt gần 4.000 tỷ đồng, hàng năm đều đạt và vượt kế hoạch tỉnh giao và chỉ tiêu Nghị quyết đề ra; từ năm 2022, huyện đã vươn lên tự cân đối ngân sách; tổng vốn đầu tư toàn xã hội trên địa bàn đạt trên 37.500 tỷ đồng, tốc độ tăng bình quân đạt 17,9%/năm; nhiều dự án động lực tiếp tục được đẩy mạnh triển khai diện mạo huyện thay đổi rõ rệt.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái với vốn đầu tư gần 13.000 tỷ đồng đưa vào khai thác từ ngày 1/9/2022.

Công tác y tế, giáo dục và đào tạo được tăng cường: Đến nay, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 85,5%; công tác đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo ở các cấp học được quan tâm, tạo chuyển biến căn bản, mạnh mẽ về chất lượng, đáp ứng ngày càng tốt nhu cầu học tập của học sinh. Tỷ lệ bác sĩ trên vạn dân đạt 14 bác sĩ; tỷ lệ số giường bệnh/1 vạn dân đạt 55,3 giường; tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt trên 96%. An sinh xã hội ngày càng được đảm bảo, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao, nhất là tại các khu vực vùng sâu, các xã đảo; trên địa bàn huyện không còn hộ nghèo. Huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2021, đến nay đã hoàn thành các tiêu chí, chỉ tiêu về Chương trình xây dựng nông thôn mới nâng cao trình cấp trên công nhận.

Bến cảng cao cấp Ao Tiên 

Các hoạt động văn hóa, văn nghệ, tuyên truyền, giáo dục truyền thống lịch sử các mạng được tăng cường; các lễ hội truyền thống được duy trì đã góp phần bồi đắp, giáo dục truyền thống tình yêu quê hương, đất nước đến cán bộ, đảng viên, các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ; khơi dậy lòng tự hào, thi đua học tập, lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế- xã hội, đảm bảo quốc phòng- an ninh, xây dựng huyện Vân Đồn ngày càng giàu đẹp, văn minh. Công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa được quan tâm, nhiều di tích lịch sử văn hóa được đầu tư, nâng cấp, trùng tu, tôn tạo và xếp hạng; năm 2023, Khu lưu niệm Bác Hồ trên đảo Ngọc Vừng được xếp hạng di tích cấp Quốc gia và Quần thể Thương cảng Vân Đồn được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt.

Đường trục chính trung tâm Khu đô thị Cái Rồng.

Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được đẩy mạnh toàn diện, liên tục, đồng bộ, quyết liệt; tập trung tiếp tục quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Trung 4 khóa XI, XII và Kết luận số 21- KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống gắn với thực hiện Kết luận 01-KL/TW về tiếp tục thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Đến nay, toàn Đảng bộ huyện có 32 chi, đảng bộ trực thuộc với 3.188 đảng viên; 100% thôn, khu có tổ chức đảng; chú trọng nâng cao chất lượng đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng và đảng viên theo hướng thực chất hơn; tỷ lệ tổ chức cơ sở Đảng hàng năm hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt trên 90% trở lên; tỷ lệ Đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên đạt từ 93% trở lên. Chú trọng công tác phát triển tổ chức đảng và kết nạp đảng viên ở thôn, bản, khu phố, người lao động đủ tiêu chuẩn vào Đảng, nửa đầu nhiệm kỳ đã kết nạp được 234 quần chúng ưu tú vào Đảng. Quan tâm tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực lãnh đạo, kỹ năng, nghiệp vụ công tác Đảng cho đội ngũ cấp ủy viên và bí thư cấp ủy các cấp.

Hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị- xã hội có nhiều đổi mới, tăng cường mối quan hệ giữa Đảng với Nhân dân; triển khai đầy đủ, nghiêm túc, cụ thể hoá sáng tạo các quy chế, quy định của Trung ương về công tác dân vận; phát huy vai trò, vị thế trong giám sát, đánh giá, phản biện, góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân các dân tộc huyện Vân Đồn với truyền thống vẻ vang, tiếp tục phát huy truyền thống của quê hương, năng động, sáng tạo, đồng tâm hiệp lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức; thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội trong những năm tới, tạo thế và lực thúc đẩy kinh tế tăng trưởng nhanh, bền vững; kiên định con đường đổi mới đất nước và cách mạng xã hội chủ nghĩa mà Đảng và Bác Hồ kính yêu đã lựa chọn. Tiếp tục xây dựng Vân Đồn trở thành Khu kinh tế biển đa ngành, đa lĩnh vực, trung tâm công nghiệp giải trí có casino, du lịch biển- đảo cao cấp, đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh; là cửa ngõ giao thương quốc tế, là một trong những động lực phát triển vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ của Tổ quốc; xứng đảng với truyền thống huyện đảo anh hùng, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại; cùng cả nước thực hiện mục tiêu: “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.


Các tin liên quan

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 4518
Đã truy cập: 5597435