Huyện Vân Đồn: Thực hiện chuyển đổi nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE thân thiện môi trường

22/04/2021 09:24

Lâu nay, người nuôi trồng thủy sản ở Vân Đồn vẫn thường sử dụng tre, gỗ, xốp…để làm lồng bè. Tuy nhiên những vật liệu này lại có độ bền kém, gây ảnh hưởng đến môi trường tự nhiên. Để hạn chế nhược điểm của lồng bè, gỗ, xốp truyền thống, Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Đảo Phất Cờ đã đi đầu, thành công trong việc sử dụng vật liệu nhựa HDPE nuôi trồng thủy sản đem lại hiệu quả kinh tế cao và thân thiện với môi trường. Đây cũng là đơn vị đi đầu trong thực hiện Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh

Mô hình chuyển đổi vật liệu HDPE tại Hợp tác xã nuôi trồng thủy Đảo Phất Cờ

Mô hình nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu nhựa HDPE của Hợp tác xã Đảo Phất Cờ được đưa vào thực hiện từ năm 2016, với các ống nhựa tròn được lắp ráp với nhau thành các khối hình tròn, hình vuông nổi có đường kính từ 16 - 20m, mỗi khối hình có diện tích 64m2, có thể nuôi đến 30 tấn cá mỗi vụ. Thấy được tính năng vượt trội của Vật liệu nhựa HDPE năm 2020 Hợp tác xã Đảo Phất Cờ đã triển khai nhân rộng thêm                  2 ha diện tích nuôi Hầu Thái Bình Dương bằng vật liệu Phao nổi HDPE.  Ưu điểm của phao nổi này là thân thiện với môi trường, chịu được độ va đập cao, chống được bão cấp 11 – 12, chống được tia UV và chịu được độ bền của thời tiết rất tốt là 50 năm.

Mặc dù vốn đầu tư ban đầu để làm hệ thống lồng bè, phao nổi bằng vật liệu nhựa HDPE cao hơn từ 2 – 3 lần so với bè tre, gỗ, xốp. Nhưng với tính ưu việt của vật liệu HDPE chỉ sau 1 năm đối với dàn phao nổi và 2  – 3 năm đối với bè và lồng nổi hộ nuôi đã thu hồi được vốn đầu tư ban đầu. ông Nguyễn Sỹ Bính - Giám đốc Hợp tác xã Đảo Phất Cờ, xã Hạ Long, huyện Vân Đồn là người đi đầu, thành công trong việc sử dụng vật liệu nhựa HDPE chia sẻ: “Thực hiện chủ trương của tỉnh là thay thế phao xốp truyền thống sang vật liệu HDPE, tôi là người đã chuyển đổi 1200 quả phao nhựa HDPE với 2 ha diện tích nuôi Hầu. Qua quá trình là người sử dụng tiên phong đầu tiên, thì tôi thấy rất hiệu quả. Thứ nhất phao nhựa có độ nổi không kém phao truyền thống, thế nhưng nó lại có ưu điểm độ bền và không bị phân hủy, rất thân thiện với môi trường, thêm nữa là không bị các con hà bám vào.  Trong tuần tới tôi sẽ tiếp tục chuyển đổi hết diện tích nuôi và mong mọi người sẽ thực hiện chuyển đổi đi theo mô hình này và hơn nữa mong nhà nước có cách nào tạo điều kiện cho chúng tôi được tiếp cận nhanh nhất và có chính sách hỗ trợ nào đó để chúng tôi sớm chuyển đổi loại phao nổi này”   

Đ/c Tô Xuân Thao – TUV, Bí thư Huyện ủy kiểm tra hiệu quả chuyển đổi vật liệu phao nổi HDPE tại HTX Phất Cờ

Thành công của Hợp tác xã Đảo Phất Cờ đã khẳng định việc làm lồng nổi, bè nổi và dàn phao nổi nhựa HDPE trong nuôi trồng thủy sản là đúng hướng, phù hợp với điều kiện vùng biển và nguyện vọng của người dân. Cách làm này đã mang lại hiệu quả kinh tế cao và đã xây dựng được một vùng nuôi biển thân thiện với môi trường.

Hiện nay, trên địa bàn huyện có tổng diện tích đang sử dụng cho nuôi trồng thủy hải sản là khoảng 4.258,6ha với 1.392 tổ chức, cá nhân, trong đó diện tích nuồi Hàu Thái Bình Dương là 4.100ha/4.258,6ha, chiếm 96,2 % với 1.200 tổ chức,cá nhân thực hiện nuôi.

Theo chủ trương của Trung ương, của tỉnh về phát triển bền vững nghề nuôi trồng thủy sản của Vân Đồn theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội Khu kinh tế Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 1856/QĐ-TTg ngày 27/12/2018; Quyết định số 31/2020/QĐ-UBND ngày 31/8/2020 của Ủy ban nhân dân tỉnh về ban hành Quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản lợ, mặn tại Quảng Ninh; Nghị quyết số 06-NQ/HU ngày 30/3/2016 của Ban chấp hành Đảng bộ huyện về phát triển kinh tế thủy sản huyện Vân Đồn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Thông báo số 175-TB/HU ngày 09/3/2021 của Thường trực Huyện ủy về tăng cường lãnh đạo, quản lý việc sử dụng vật liệu làm phao nổi trong nuôi trồng thủy sản và xây dựng các công trình nổi trên địa bàn huyện.

 

Năm 2021, Huyện Vân Đồn  phấn đấu thực hiện chuyển đổi toàn bộ diện tích nuôi Hầu bằng vật liệu phao xốp truyền thống không thân thiện với môi trường sang vật liệu phao nổi HDPE

Năm 2021, Huyện Vân Đồn đang phấn đấu thực hiện chuyển đổi toàn bộ diện tích nuôi Hầu bằng vật liệu phao xốp truyền thống không thân thiện với môi trường sang vật liệu làm phao nổi HDPE theo quy chuẩn đối với toàn bộ các tổ chức, cá nhân đang nuôi trồng thủy sản trên địa bàn. Tuy nhiên để làm được điều này cần có sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn xã hội trong việc thực hiện chuyển đổi vật liệu nổi phù hợp quy chuẩn trong nuôi trồng thủy sản ở trên địa bàn.  Đồng chí: Đào Văn Vũ – Phó chủ tịch UBND Huyện Vân Đồn , tỉnh Quảng Ninh cho biết: Thời gian qua, chúng tôi đã kiểm nghiệm mô hình sử dụng vật liệu HDPE trong nuôi trồng thủy sản tại Hợp tác xã nuôi trồng thủy sản Đảo phất cờ, có thể khẳng định rằng mô hình dùng phao nổi HDPE để thay thế phao xốp trong nuôi trồng thủy sản đã góp phần rất quan trọng trong việc bảo vệ môi trường, góp phần nuôi trồng thủy sản bền vững. Ban chấp hành Đảng bộ huyện cũng đã ban hành nghị quyết chuyên đề về việc thay đổi phao xốp trong nuôi trồng thủy sản bằng vật liệu HDPE, đây là vật liệu rất thân thiện môi trường phù hợp với quy chuẩn địa phương theo Quyết định 31 năm 2020 của UBND tỉnh. Chúng tôi mong muốn rằng khi Nghị quyết được ban hành nhân dân trên địa bàn sẽ ủng hộ chủ trương này với quyết tâm trong năm 2021 thay thế toàn bộ phao xốp nuôi Hầu chuyển đổi sang vật liệu HDPE thân thiện với môi trường, trong nuôi trồng thủy sản, giúp cho nuôi trồng thủy sản Vân Đồn phát triển bền vững.

Hiệu quả của việc sử dụng vật liệu nhựa HDPE trong nuôi trồng thủy sản đặc biệt là nuôi hầu biển trên địa bàn huyện là rất cao, rất hữu ích. và chủ trương của huyện, của tỉnh là rất rõ. Do vậy, người dân cũng cần nêu cao nhận thức và hành động, từ đó đồng thuận, tự giác ủng hộ chủ trương chuyển đổi của địa phương, góp phần xây dựng hình thành các vùng nuôi trồng ổn định, bền vững, thân thiện với môi trường và góp phần đưa ngành nuôi trồng thủy sản trở thành một trong lĩnh vực đóng góp cao vào tỷ trọng của ngành nông nghiệp huyện.

Thanh Nga


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 1510
Đã truy cập: 5981605