Đồng chí Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn kiểm tra giới tuyến cao tốc.
Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái là 1 trong 3 dự án công trình giao thông động lực, trọng điểm đang được tỉnh Quảng Ninh tập trung quyết liệt chỉ đạo hoàn thành vào cuối năm 2021. Tuyến cao tốc nằm trong hệ thống tuyến đường cao tốc Hà Nội - Quảng Ninh, được xác định là tuyến đường có ý nghĩa chiến lược trong sự phát triển KT-XH của tỉnh và khu vực. Dự án có tổng chiều dài tuyến gần 80,2km, quy mô đường cao tốc 4 làn xe, vận tốc tối đa 120km/h, đi qua các huyện: Vân Đồn, Tiên Yên, Đầm Hà, Hải Hà và TP Móng Cái, là tuyến đường có nhiều cầu nhất hiện nay tại Quảng Ninh (32 cầu trên toàn tuyến).
Báo cáo với đồng chí Bí thư Huyện ủy cùng đoàn công tác huyện trong buổi kiểm tra, đại diện chủ đầu tư cho biết: Trong quá trình tổ chức thi công, dự án đã gặp phải nhiều khó khăn, ảnh hưởng bởi thời tiết mưa nhiều, tác động dịch Covid-19 khiến việc huy động lao động, thiết bị gặp khó khăn; cầu Vân Tiên là cầu dài nhất hiện nay trên địa bàn tỉnh (1.515m), nằm khu vực nước sâu (17m, tương đương cầu Bãi Cháy), nước xoáy, địa chất phức tạp, công tác tổ chức thi công khó, mất nhiều thời gian…
Bí thư Huyện ủy kiểm tra công tác tổ chức thi công cầu Vân Tiên.
Tuy nhiên, với sự chỉ đạo, hỗ trợ quyết liệt của tỉnh, huyện, sự nỗ lực rất lớn của chủ đầu tư và các nhà thầu... Đến nay, dự án đảm bảo tiến độ yêu cầu và bám sát theo tiến độ chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Riêng cầu Vân Tiên, dù khó khăn, song sau chưa đầy một năm thi công (khởi công tháng 12/2020) đến nay đã đạt trên 80% khối lượng công việc, dự kiến sẽ hoàn thành sau đúng một năm thi công.
Tiến độ cụ thể: Đoạn cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên có chiều dài 16,08km. Các cầu trên tuyến Vân Đồn gồm 04 cầu: Cầu Vân Tiên (dài 1.515m), đạt 78%. Cầu Đài Xuyên 02 (dài 450m) đạt 65%. Cầu Đài Van (dài 179,4m), đạt 65%. Cầu Đài Xuyên 1 (dài 146m) đạt 55%. Các nhà thầu đang huy động nhân lực và phương tiện, thiết bị, máy móc nhiều hơn 2 lần so với dự thầu ban đầu, tổ chức nhiều kíp thi công nối tiếp nhau trong cả 3 ca, bám sát tổng tiến độ dự án.
Tại buổi kiểm tra, đồng chí Trương Mạnh Hùng, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện cùng đoàn công tác đã trực tiếp đến các vị trí được đánh giá là thi công khó khăn, phức tạp nhất trên tuyến cao tốc. Đồng chí đánh giá cao sự nỗ lực, cố gắng của chủ đầu tư và các nhà thầu. Đặc biệt việc khắc phục khó khăn, huy động nhân lực, thiết bị trong bối cảnh ảnh hưởng của dịch Covid-19 để đảm bảo tiến độ đề ra.
Đồng chí Bí thư Huyện ủy yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu tiếp tục nỗ lực, tăng tốc công trình, hoàn thành vào cuối năm 2021 theo kế hoạch.
Nhân dịp này, đồng chí Bí thư cũng Huyện ủy đã đến động viên, thăm hỏi cán bộ, công nhân trên công trường; bày tỏ cảm ơn đối với các cán bộ, công nhân đã gắn bó, kiên trì bám trụ, nỗ lực để đảm bảo tiến độ dự án. Bên cạnh đó đồng chí cũng đề nghị, song song với công tác đảm bảo tiến độ, cần tăng cường quy trình phòng chống dịch trên công trường, đảm bảo nguồn cung ứng thực phẩm an toàn cho các công trường, để thực hiện đúng mô hình “3 tại chỗ" (sản xuất tại chỗ, ăn tại chỗ và nghỉ tại chỗ), giữ tuyệt đối an toàn sức khỏe cho người lao động. Chủ động các phương án bảo vệ cho lực lượng thi công tuyến đầu như tiêm vắc xin, tổ chức cách ly tại chỗ…
Đại diện chủ đầu tư cũng cho biết: Tiến độ thi công các cầu trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái (đoạn Vân Đồn - Tên Yên) cơ bản đáp ứng tiến độ tổng thể dự án đến 31/12/2021. Riêng hạng mục đào, đắp nền không đạt kế hoạch tiến độ. Chủ đầu tư đã họp kiểm điểm yêu cầu các nhà thầu lập lại tiến độ thời gian còn lại và phải cam kết thực hiện bằng văn bản theo tiến độ đăng ký; đề nghị tăng cường hỗ trợ thi công giữa các nhà thầu và tiếp tục bổ sung nhân lực, máy móc, thiết bị, tăng ca, tăng kíp duy trì thi công 24/24h để đẩy nhanh tiến độ, khối lượng thi công.
Sau khi hoàn thành, tuyến cao tốc sẽ rút ngắn thời gian từ Hà Nội đi Móng Cái xuống còn khoảng 3 giờ; kết nối với các khu kinh tế trọng điểm, tạo thuận lợi giao thông đường bộ từ hướng Lạng Sơn đi Móng Cái, Vân Đồn, Hạ Long, phát huy Sân bay Vân Đồn; kết nối cửa ngõ giao thương của Việt Nam, ASEAN với Trung Quốc; tạo động lực phát triển KT-XH, kết nối các KKT trọng điểm và thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến nghiên cứu đầu tư tại các địa phương có tuyến cao tốc đi qua.