
Vườn hoa cúc nhà chị Lê Thị Quyết - Thôn Đông Trung, xã Đông Xá
Gần đến những ngày 30, mùng Một hay Mười Tư, hôm Rằm, ai đến vườn nhà chị Quyết cũng phải trầm trồ, thích thú, không muốn về bởi sức thu hút của một vườn hoa cúc rực rỡ với đủ các màu vàng, trắng, đỏ rực rỡ đua nhau khoe sắc.

Bên cạnh những luống hoa đã nở, luôn có những luống mới trồng hoặc đang ra nụ gối nhau
Chị Quyết cho biết: “Gia đình tôi trồng hoa cúc được gần 8 năm nay. Nhà có người em ở Nam Định chuyên trồng hoa bán, thấy hiệu quả kinh tế cao nên nhà cũng học và lấy giống về trồng. Trồng cũng không có gì khó, cơ bản mình phải biết theo dõi sâu bệnh gì để phun thuốc nào. Nhà cứ bón lót bằng phân hữu cơ, rắc vôi bột nên cây ít bị sâu bệnh, hoa rất bền. Trồng 4 tháng mới cho thu hoạch, phải căn làm sao cho hoa nở đúng dịp Rằm, 30, mùng Một hay dịp Tết. Và tuỳ số lượng hoa bán được để trồng gối những luống tiếp theo. Nhà có 2 vợ chồng với cậu con trai ở nhà nên trồng và bán mỗi đợt được khoảng 1.500 cành và đĩa hoa. Từ 20 tháng Chạp đến dịp Tết, cả bó đĩa và bán cành thì bán được khoảng 6000 cây. Giá từ 4000 - 7000đ/cây tuỳ dịp. Hiệu quả cao hơn trồng rau, ngoài trồng hoa, gia đình tôi còn trồng đủ các loại cây như na, vải, nhãn, đào, rau xanh các loại, mất mùa nọ thì được mùa kia, thu nhập cũng được một đôi trăm triệu đồng, cuộc sống gia đình cũng dư giả chút”.

Khách hàng quen đến tận vườn mua hoa chơi Tết
Vợ chồng chị Lê Thị Quyết (sinh năm 1962) anh Đào Văn Hinh (sinh năm 1957) sinh ra và lớn lên ở huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên, trong gia đình có truyền thống làm nông nghiệp, chủ yếu chăn nuôi và trồng trọt nhỏ lẻ nên thu nhập rất thấp. Những năm đầu mới xây dựng gia đình, kinh tế đã khó khăn, lại càng khó khăn chồng chất khi cậu con trai thứ 2 lúc đó mới khoảng 2-3 tuổi, bị ngã. Hơn một năm giành giật sự sống cho con ở nhiều bệnh viện từ Trung ương đến tỉnh, sức khoẻ em mới dần bình phục, song vẫn khiến em bị câm hoàn toàn.
Chị Quyết kể: Kinh tế những năm đó gần như kiệt quệ, năm 1993, anh chị phải bán cơ nghiệp duy nhất còn lại là con bò và con lợn nái được 2 triệu đồng để ra lập nghiệp ở Thôn Đông Trung – xã Đông Xá. Với số vốn đó, gia đình mua được một mảnh đất nhưng chưa có tiền làm nhà, phải ở nhờ nhà chị gái và người thân mất mấy năm.
Đồng thời chị đi bán cá, mượn đất trồng na kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Hai vợ chồng không quản khó khăn, vất vả, thức khuya dậy sớm để phát triển kinh tế gia đình, chăm lo cho các con. Dần dần, gia đình đã xây được nhà và mua được mảnh vườn rộng 4000m2 để trồng trọt, chăn nuôi.

Khu vườn rộng 4000m2 với nhiều loại cây trồng từ ngắn ngày đến lâu năm của gia đình chị Lê Thị Quyết
Để đảm bảo an toàn về sức khoẻ cho bản thân và cho khách hàng, cũng là để giữ cho đất đai màu mỡ, không bị thoái hoá, cây cối phát triển tốt, ít sâu bệnh, chị chỉ đi xin đầu tôm, cá, bề bề về ngâm để bón, tuyệt đối không dùng phân hoá học. Nuôi lợn, gà gia đình cũng chăn bằng rau cám và gạo thóc thông thường. Vì vậy khách hàng quen rất thích mua rau xanh và hoa, quả nhà chị. Ngoài khách hàng đến tận nhà mua, số còn lại chị đi giao cho các quán và bán lẻ Còn đào, cứ đến dịp Tết, khách vào tận vườn chọn để mua, có năm gia đình chị bán được trên dưới 5 chục triệu tiền đào. Tết năm nay, do ảnh hưởng của dịch Covid, gia đình chỉ bán được 3 – 4 chục triệu.
Mặc dù gia đình làm nông nghiệp, nhưng vợ chồng chị luôn động viên, chăm lo cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Chị kể, “Có giai đoạn kinh tế vẫn còn khó khăn, 2 cậu con trai cả và út học Đại học cách nhau có 1 - 2 năm, gia đình phải vay Ngân hàng 2 suất dành cho học sinh, sinh viên cho các con đi học. Thiếu thốn, vất vả đủ bề, nghĩ lại vẫn còn thấy sợ. Nhưng được cái con học tốt nên phải phấn đấu, sau này cho con có nghề, có nghiệp, đỡ vất vả như bố mẹ”. Không phụ lòng của bố mẹ, đến nay 2 cậu con trai đều là cử nhân Đại học, có vị trí ở Ngân hàng Vietinbank chi nhánh Quảng Ninh và Trạm y tế Mỏ than Khe Chàm. Còn cậu con trai thứ ở nhà cùng bố mẹ làm vườn và chăn nuôi. Gia đình chị cũng đã xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang, rộng rãi và hỗ trợ con cái mua được nhà cửa. Cuộc sống gia đình tuy bình dị nhưng rất đầm ấm và hạnh phúc.

Ngôi nhà 2 tầng gia đình chị Quyết đã xây được khoảng 6 năm nay
Chị Điệp Thị Bình – Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Đông Xá, huyện Vân Đồn nhận xét: “Chị Quyết là gương phụ nữ rất điển hình, tích cực vươn lên trong phát triển kinh tế gia đình. Ngoài ra chị cũng rất tích cực tham gia các hoạt động của Hội và của thôn xóm. Năm 2021, chị được Hội LHPN xã và huyện bầu đi dự Đại hội đại biểu Hội LHPN tỉnh Quảng Ninh”.
Với những nỗ lực ấy, gia đình chị Lê Thị Quyết xứng đáng là tấm gương sáng cho nhiều gia đình chị em phụ nữ học tập và làm theo về tinh thần cần cù, sáng tạo, năng động, mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm trong phát triển kinh tế, nỗ lực vươn lên thoát khỏi đói nghèo, làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương thứ hai của mình.