Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ trồng trọt hiệu quả nhờ ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh

08/03/2022 12:09

Trong các cấp Hội phụ nữ huyện Vân Đồn, nhắc đến chị Lê Thị Đệ, thôn Cặp Tiên – xã Đông Xá hầu như chị em nào cũng biết đến. Bởi chị không chỉ là Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ nhiệt tình, trách nhiệm mà còn đi đầu trong việc ủ phân hữu cơ bằng chế phẩm sinh học EMUNIV vừa đem lại hiệu quả kinh tế cao trong trồng trọt, vừa góp phần bảo vệ môi trường.

Vườn cà chua trĩu quả của nhà chị Đệ

Chị Lê Thị Đệ sinh năm 1965, dáng người nhỏ nhắn nhưng nhanh nhẹn, hoạt bát. Chồng chị mắc bệnh hiểm nghèo, bị mất khi 2 người con còn nhỏ dại. Song vượt qua mọi khó khăn, vất vả, chị đã thay chồng nuôi con cái trưởng thành. “Ngoài vượt lên hoàn cảnh phát triển tốt về kinh tế gia đình, chị Đệ đã có thâm niên hơn 15 năm làm Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ thôn Cặp Tiên. Chị luôn nhiệt tình, trách nhiệm cao với các phong trào của Hội. Những năm gần đây chị đã tổ chức tốt các phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” ở thôn, đi đầu trong phân loại rác thải từ nguồn, sử dụng chế phẩm sinh học ủ phân hữu cơ để bón cho cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao, đồng thời góp phần bảo vệ môi trường” – Chị Điệp Thị Bình, Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Xá tự hào nhận xét.

Ươm cây giống để trồng và bán cũng mang lại thu nhập tốt

Ngắm nhìn 2 mẫu vườn đồi trồng chủ yếu là đào, nhất là hơn 2 sào vườn đang trồng đỗ Cove, trồng cà chua xanh mướt, trĩu quả nhà chị, chắc hẳn ai cũng phải trầm trồ, thích thú. Chị Đệ cho biết: “Trước kia nhà tôi cũng trồng trọt nhưng chủ yếu dùng phân hoá học nên tốn tiền mua phân lắm, hiệu quả kinh tế không cao, đất lại nhanh chai, cằn cỗi. Khoảng 3 năm trước tôi được đi tập huấn lớp ủ phân hữu cơ bằng men vi sinh EMUNIV do Hội phụ nữ huyện mở, được đồng chí Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh về truyền đạt, hướng dẫn. Tôi về áp dụng và làm theo, cho hiệu quả rõ rệt. Bón phân ủ bằng men vi sinh đất rất là tơi xốp, cây ít sâu bệnh hẳn, nhanh lớn, ăn rau lại ngon, ngọt, năng suất cao gấp 3 – 4 lần so với trước kia. Mảnh vườn nhỏ này thôi nhưng hầu như ngày nào tôi cũng có rau, quả đi chợ bán. Nhà gần chợ Cửa Ông, cứ mang ra chợ, chị em ăn quen rồi, biết rau sạch, ngon nên mua hết. Hôm nào ít thì bán được 200.000, hôm nhiều phải bán được 5 - 700.000 đ”.

Mỗi năm vào dịp Tết, chị thu hoạch được vài chục đến gần trăm triệu tiền đào

Ngoài trồng rau xanh các loại, chị còn ươm cả cây giống như dưa chuột, cà chua, bầu, bí, các loại để vừa trồng, vừa bán. Đối với cây đào, cứ trồng 1 - 2 năm, có khách mua là chị bán, sau đó ra Tết lại tiếp tục trồng dặm. Mỗi năm từ vườn đào chị cũng thu được từ vài chục đến gần trăm triệu đồng.

Chế phẩm sinh học EMUNIV chị Đệ sử dụng để ủ phân hữu cơ

Nói về kinh nghiệm ủ phân hữu cơ, chị Đệ chia sẻ: Nhà chị có con gái đi bán cá, xin được nhiều đầu tôm, cá, bề bề. Tận dụng căn nhà cũ không ở, chị ủ phân hữu cơ trong đó. Quy trình ủ phân của gia đình hết sức đơn giản: Rác thải gồm đầu tôm, cá, vỏ bề bề, kể cả vỏ rau, củ quả, cỏ, rác các loại thì ủ thêm mùn cưa hoặc vỏ trấu. Sau đó rắc đều chế phẩm sinh học EMUNIV lên. Mỗi gói chế phẩm (200g) trộn với 1 muôi to đường, ủ được cho 1 tấn rác thải. Nếu là vỏ rau củ quả hoặc rác khô thì phải hoà gói chế phẩm với nước, tưới đều lên từng lớp, sao cho độ ẩm đạt 45-50%, che đậy đống ủ bằng vải mưa hoặc bạt. Nếu nhà có ít rác thì dùng thùng phuy nhựa hay thùng xốp hoặc đào hố (ở vị trí không bị trũng nước) để ủ. Sau khoảng 25 - 45 ngày, số rác thải này sẽ được phân hủy thành phân hữu cơ mịn, tơi xốp, có màu đen và không mùi, có thể sử dụng bón trực tiếp cho cây trồng hoặc dự trữ trong bao bì bón cây trồng lâu dài.

Những túi phân hữu cơ đã ủ, chị chuẩn bị đem bón cho cây trồng

Cùng với các phong trào xây dựng vườn mẫu, thôn mẫu trong xây dựng NTM, các tổ chức chính trị, xã hội trên địa bàn xã Đông Xá đã và đang tuyên truyền, hướng dẫn người dân ứng dụng mô hình này. Bà Điệp Thị Bình, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đông Xá, cho biết thêm: Từ mô hình hiệu quả trong ủ phân vi sinh của chị Lê Thị Đệ, trong năm 2021, Hội LHPN xã Đông Xá đã triển khai nhân rộng mô hình ra cho 30 chị em cán bộ, hội viên. Với mô hình này, chị em có thể chủ động được nguồn phân hữu cơ thường xuyên để bón cho rau màu, nâng cao độ phì nhiêu của đất. Đồng thời, hạn chế tối đa ô nhiễm môi trường, giảm một phần chi phí trong sản xuất và tăng thêm nguồn thu nhập cho gia đình.

Mai Duyên


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 4349
Đã truy cập: 5597266