Những ngôi nhà cao tầng, khang trang được các hộ dân ở Ngọc Vừng xây dựng ngày càng nhiều
Trên cơ sở xác định những lợi thế, tiềm năng của địa phương, xã Ngọc Vừng đã khuyến khích, hỗ trợ người dân thực hiện tích tụ, tập trung đất đai phát triển các loại cây trồng chủ lực ở địa phương như Khoai lang, Kiệu, Lạc... Bên cạnh đó, thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mang lại hiệu quả và giá trị kinh tế cao.
Vụ lúa hè – thu được nhân dân trong xã gieo trồng theo đúng quy trình kỹ thuật
Để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, xã còn tích cực phối hợp với trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn người dân về kỹ thuật trồng trọt, chuyển giao khoa học - kỹ thuật, các biện pháp thâm canh tăng vụ, mở rộng diện tích sản xuất vụ đông; cách phòng trừ dịch bệnh, phát triển chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học. Cơ giới hóa tiếp tục được phát triển đáp ứng nhu cầu phục vụ người dân trong các khâu làm đất, gieo cấy, chăm sóc, thu hoạch.
Nhiều hộ dân đã mạnh dạn đầu tư chế biến, kinh doanh Tép - sản phẩm đặc trưng của địa phương
Bên cạnh đó, xã đã nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX dịch vụ nông nghiệp Bình Ngọc để làm tốt các khâu dịch vụ, là “cầu nối” thực hiện liên kết sản xuất đảm bảo bền vững ổn định thông qua các hợp đồng liên kết nuôi trồng, khai thác giữa các bên tham gia. Trong chăn nuôi, xã đã tạo điều kiện để các hộ dân phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng trang trại; hướng dẫn người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm; tổ chức tiêm phòng theo đúng kế hoạch đề ra. Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, các hoạt động dịch vụ, du lịch phát triển đa dạng đáp ứng nhu cầu của người dân. Hiện, toàn xã có 15 cơ sở kinh doanh dịch đã góp phần nâng cao thu nhập cho người dân địa phương và thúc đẩy cơ cấu kinh tế của xã chuyển dịch theo hướng tăng dần tỷ trọng của ngành công nghiệp, dịch vụ, giảm dần tỷ trọng của ngành nông nghiệp. Nhờ phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã ước đạt 103,5 triệu đồng/người/năm (tăng hơn 1,3 lần so năm 2018).
Các hộ dân trong xã cũng đã chủ động đầu tư cơ sở dịch vụ lưu trú, nghỉ dưỡng phục vụ khách du lịch
Đến năm 2021 toàn xã còn 2,25% hộ nghèo có hoàn cảnh không còn khả năng lao động, thuộc diện BTXH. Từ đầu năm 2022, xã đã xây dựng phương án giảm nghèo, đồng thời vận động các nguồn kinh phí xã hội hoá từ Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội giúp đỡ các hộ thoát nghèo với tổng kinh phí 211,4 triệu đồng. Do đó, trong quý I năm 2022, các hộ nghèo trên địa bàn đã thoát nghèo. Như vậy, đến nay trên địa bàn xã Ngọc Vừng không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đời sống nhân dân ngày càng có sự tiến bộ rõ nét, chất lượng cuộc sống được nâng cao, diện mạo nông thôn mới có nhiều khởi sắc.