Các lực lượng ra quân thu gom phao trôi nổi trên biển
Ngay trong ngày đầu ra quân, các đơn vị đã huy động được khoảng 30 người gồm cán bộ, công chức khối MTTQ và các đoàn thể huyện; tổ thu gom phao xốp của huyện; Lãnh đạo, công chức UBND, MTTQ, các đoàn thể, Bí thư chi bộ, trưởng các khu phố của thị trấn Cái Rồng đã huy động phương tiện và vận động thêm sự hỗ trợ của các chủ tàu tham gia thu gom phao xốp, rác thải sau tháo dỡ trôi nổi trên biển.
Với mục tiêu đến 30/4/2023 sẽ hoàn thành việc xoá bỏ hoàn toàn phao xốp trong nuôi trồng thủy sản (NTTS), thay thế bằng phao nhựa HDPE hợp quy chuẩn kỹ thuật địa phương, huyện Vân Đồn đã và đang ra quân quyết liệt để tổ chức thực hiện di dời, giải tỏa hoạt động nuôi trồng thủy sản trái phép. Tuy nhiên, trong quá trình di dời, giải tỏa, việc thu gom các vật liệu nuôi trồng thủy sản vẫn chưa được triệt để. Trên mặt biển còn hiện tượng nhiều vật liệu nuôi trồng thủy sản trôi nổi như bè mảng hỏng, phao xốp. Các loại vật liệu trên đang trôi nổi số lượng nhiều, trên phạm vi rộng, tại tất cả các khu vực nuôi trồng thủy sản trái phép, làm ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường, cản trở tuyến luồng giao thông thủy và du lịch biển khu vực vịnh Bái Tử Long.
Cán bộ, công chức khối MTTQ và các đoàn thể huyện tham gia thu gom phao xốp
Từ nay đến 30/4, cùng với tác tổ thu gom phao xốp của huyện UBND, MTTQ và các đoàn thể của huyện sẽ tiếp tục phối hợp với các xã, thị trấn huy động lực lượng thực hiện việc thu gom phao xốp trôi nổi trên biển; Đồng thời, tuyên truyền, vận động các hộ dân NTTS chấp hành chủ trương chỉ đạo của tỉnh, của huyện trong công tác quản lý và phát triển bền vững nuôi trồng thuỷ sản và thực hiện chuyển đổi sử dụng vật liệu nổi trong nuôi trồng thuỷ sản từ phao xốp sang phao nhựa HDPE đạt quy chuẩn kỹ thuật địa phương và nâng cao ý thức trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường trên biển.