Công chức Chi cục Hải quan Cửa khẩu Móng Cái hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện các thủ tục thông quan hàng hóa. Ảnh: Hoàng Nga
Chính quyền số là hoạt động của chính quyền dựa trên nền tảng của công nghệ thông tin. Tất cả hoạt động của các cơ quan ở các cấp sẽ ứng dụng công nghệ thông tin để vận hành, giúp giảm thiểu chi phí, tăng phần tương tác, hoặc cung ứng dịch vụ theo hình thức trực tuyến nhanh nhạy hơn. Hiện nay, Quảng Ninh đã và đang xây dựng, phát triển chính quyền số nhằm tận dụng những bước tiến của công nghệ, thực hiện đồng bộ các giải pháp xây dựng nền hành chính hiện đại, chuyên nghiệp, hoạt động hiệu quả, tạo động lực thúc đẩy phát triển KT-XH.
Theo đó, tỉnh đã quan tâm, đầu tư, triển khai ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin trong cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, ở tất cả các lĩnh vực và xác định lấy hiện đại hóa nền hành chính làm nhiệm vụ trọng tâm, đột phá. Tỉnh đã chủ động nghiên cứu, xây dựng và tổ chức triển khai Đề án xây dựng chính quyền điện tử, Đề án triển khai mô hình thành phố thông minh.
Với quyết tâm chính trị cao, cách làm bài bản, có tính đột phá, sáng tạo, công tác chỉ đạo sâu sát, quyết liệt, các dư địa mới đã được khai phá, trong đó có sự đóng góp quan trọng từ phát triển hạ tầng viễn thông, hạ tầng công nghệ thông tin, các phần mềm ứng dụng công nghệ thông tin và cơ sở dữ liệu chuyên dùng. Chính quyền điện tử tỉnh Quảng Ninh trở thành khung tham chiếu của cả nước, đóng góp nhiều kinh nghiệm quý báu cho xây dựng Chính phủ điện tử.
Nền hành chính được hiện đại hóa, thể hiện rõ nét qua việc thay đổi phương thức chỉ đạo, điều hành, cách thức làm việc và phục vụ của cơ quan nhà nước nhờ ứng dụng công nghệ thông tin. Thủ tục hành chính được giải quyết bằng quy trình điện tử, hồ sơ điện tử, dịch vụ công trực tuyến tạo sự công khai, minh bạch, thuận lợi, tăng tỷ lệ hài lòng của người dân, doanh nghiệp đối với cơ quan chính quyền các cấp. Mô hình thành phố thông minh đã đạt được một số kết quả bước đầu ở một số lĩnh vực như y tế thông minh, giáo dục thông minh, môi trường thông minh... mang đến nhiều giá trị thụ hưởng cho người dân, doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu quản lý của cơ quan nhà nước.
Đoàn công tác của TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái) tham quan mô hình thành phố thông minh của TP Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Hồng Phương (CTV)
Đặc biệt, trong những năm gần đây, thực hiện chính quyền số đã đổi mới căn bản, toàn diện hoạt động lãnh đạo, quản lý, điều hành của các cơ quan Đảng, Nhà nước, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội; huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là người đứng đầu; hành động đồng bộ ở các cơ quan, địa phương và sự tham gia của tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tính riêng trong 6 tháng đầu năm 2023, thực hiện các kế hoạch, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả quan trọng trong xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số.
Cụ thể, về cung cấp dịch vụ công trực tuyến, Quảng Ninh đã cung cấp 1.462 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh (trong đó 1.017 dịch vụ công trực tuyến toàn trình, 445 dịch vụ công trực tuyến một phần). Về cung cấp dịch vụ công trực tuyến trên Cổng dịch vụ công quốc gia, tỉnh đã cung cấp 1.231 dịch vụ công trực tuyến trong tổng số 1.280 thủ tục hành chính của các sở, ban, ngành trên Cổng dịch vụ công của tỉnh; trong đó có 1.017 thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình (đạt 81%); đã tích hợp, kết nối 1.244 dịch vụ công trực tuyến của các sở, ban, ngành lên Cổng dịch vụ công quốc gia.
Căn cứ vào tình hình thực tiễn, các sở, ban, ngành, địa phương, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã xây dựng, ban hành, triển khai kế hoạch chuyển đổi số đến năm 2025 và hằng năm của đơn vị. Điển hình như TP Hạ Long rất quan tâm và triển khai quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thúc đẩy phát triển và chuyển đổi từ chính quyền điện tử sang chính quyền số. Theo đó, thành phố tập trung phát triển hạ tầng phủ lõm sóng viễn thông và hệ thống cáp quang tốc độ cao. Dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 đạt 81%, giải quyết công việc trên môi trường mạng đạt 81,6%, triển khai trung tâm điều hành thành phố thông minh gồm 9 phân hệ.
Đặc biệt, để đẩy mạnh thực hiện công tác chuyển đổi số, mới đây Trung tâm Hành chính công TP Hạ Long phối hợp với Chi cục Thuế Hạ Long, Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất thực hiện thí điểm trả thông báo thuế qua hình thức điện tử đối với thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất (chuyển nhượng, tặng cho). Theo đó, các thông báo thuế thuộc thủ tục đăng ký biến động quyền sử dụng đất sẽ được ký số và thực hiện trả trên chính quyền điện tử, thay cho việc in và luân chuyển bản giấy qua lại giữa Chi cục Thuế và Trung tâm Hành chính công như trước đây.
Đây là đơn vị đầu tiên trên địa bàn tỉnh thực hiện việc trả thông báo thuế qua hình thức điện tử. Việc làm này sẽ thống nhất việc quản lý, sử dụng kết quả giải quyết TTHC, đáp ứng yêu cầu xây dựng chính quyền điện tử. Đây cũng là phương thức nhằm hạn chế việc tiếp xúc và giảm tối đa các chi phí phát sinh trong quá trình giải quyết TTHC của người dân, doanh nghiệp.
Có thể thấy ngoài những lợi ích thể hiện bằng con số thì sự đổi thay đáng nói nhất chính là nhận thức, tư tưởng của cán bộ, đảng viên và người dân. Thể hiện ở việc, các cơ quan, đơn vị đều tích cực ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành và triển khai thực hiện nhiệm vụ, khoảng cách giữa chính quyền với người dân ngày càng được rút ngắn. Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, điều hành, triển khai, thực hiện nhiệm vụ trong các cơ quan, đơn vị, tạo lập cơ sở dữ liệu số đã đổi mới hoàn toàn hoạt động của bộ máy chính quyền, tiết kiệm được nhiều thời gian, kinh phí. Mọi hoạt động của chính quyền đều hướng đến phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày một tốt hơn.
Theo baoquangninh.vn
Đọc bài gốc tại đây!