Quang cảnh hội nghị
Dự hội nghị có đồng chí Trương Mạnh Hùng – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy; đồng chí Ngô Tất Thắng – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT, đại diện Chi cục Thủy sản tỉnh, lãnh đạo một số phòng, ban của huyện, lãnh đạo và cán bộ phụ trách lĩnh vực thủy sản của các xã, thị trấn và đại diện Hiệp hội thủy sản và các doanh nghiệp, HTX nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện. Đồng chí Đào Văn Vũ – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện chủ trì hội nghị.
Đơn vị tư vấn trình bày đề án
Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển huyện Vân Đồn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 do đơn vị tư vấn là Trường Cao đẳng Kinh tế, Kỹ thuật và Thủy sản được nghiên cứu, xây dựng trên diện tích trên 27.466ha nhằm tổ chức, sắp xếp lại NTTS trên biển đúng pháp luật, phù hợp với điều kiện môi trường tự nhiên và thế mạnh của từng vùng, địa phương và phù hợp với quy hoạch tổng thể của huyện, của tỉnh Quảng Ninh và của ngành thuỷ sản Việt Nam. Tạo được các vùng nuôi biển và đối tượng nuôi ổn định và đề xuất phát triển những vùng nuôi biển xa bờ tiềm năng. Nâng cao giá trị nuôi biển, tạo ra giá trị và lợi nhuận cho người sản xuất tại các vùng ven biển và hải đảo, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế cho các xã, cho ngành thuỷ sản và các ngành kinh tế khác trong toàn huyện. Thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành nuôi biển nói riêng và ngành nuôi trồng thuỷ sản nói chung. Nâng cao giá trị và tạo ra những sản phẩm mang thương hiệu và đặc sản vùng biển Vân Đồn. Thu hút và giải quyết được một lượng lớn nhu cầu lao động. Góp phần đảm bảo an ninh chính trị, quốc phòng trên biển.
Các đại biểu tham gia góp ý vào đề án
Đối với môi trường sinh thái, sẽ hạn chế tác động tiêu cực của hoạt động nuôi biển lên môi trường, tạo sự phát triển bền vững. Giảm thiểu nhu cầu đối với khai thác tự nhiên, từ đó giảm áp lực lên nguồn thuỷ sản tự nhiên (giảm lượng cá tạp khai thác tự nhiên). Nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, tuân thủ quy định của người nuôi.
Đại biểu tham gia ý kiến
Tham gia ý kiến, góp ý vào dự thảo đề án hầu hết các đơn vị, phòng, ban, địa phương và các doanh nghiệp, HTX, cơ sở nuôi trồng thủy sản trên địa bàn huyện đều cơ bản nhất trí với các nội dung của dự thảo đề án. Theo đánh giá, đề án được xây dựng công phu, có đầy đủ căn cứ, các số liệu thực tiễn, bám sát với quy hoạch tổng thể của huyện, của tỉnh Quảng Ninh và của ngành thuỷ sản Việt Nam.
Đồng chí Trương Mạnh Hùng – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy phát biểu tại hội nghị
Tuy nhiên do đây là đề án mới vì vậy các đại biểu cũng đã tham gia ý kiến, góp ý vào các nội dung về phạm vi các lĩnh vực của đề án như: Quy hoạch chi tiết hơn các vùng nuôi phù hợp với đặc thù của từng địa phương, bổ sung thêm quy hoạch vùng sản xuất giống tập trung, làm rõ hơn hiệu quả kinh tế của đề án, các giải pháp xử lý môi trường sau khi thu hoạch sản phẩm….
Đồng chí Ngô Tất Thắng – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT phát biểu ý kiến
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trương Mạnh Hùng – Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy và đồng chí Ngô Tất Thắng – Phó Giám đốc Sở NN & PTNT yêu cầu: UBND huyện và đơn vị tư vấn cần làm việc cụ thể với từng xã, thị trấn để xác định vùng nuôi cho phù hợp; nghiên cứu, bổ sung và ưu tiên dành diện tích và các vị trí quan trọng cho các doanh nghiệp lớn đầu tư quy mô và tiên phong áp dụng công nghệ cao và quy trình sản xuất tiên tiến trong nuôi trồng thủy sản. Cùng với đó, phải làm việc với các sở, ngành liên quan của tỉnh để cập nhật, chỉnh sửa, tạo sự thống nhất trong quy hoạch, tránh tình trạng chồng chéo quy hoạch sau khi triển khai đề án.
Đồng chí Đào Văn Vũ - Phó Chủ tịch Thường trực UBND phát biểu kết luận hội nghị
Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Đào Văn Vũ – Phó Chủ tịch Thường trực UBND huyện yêu cầu đơn vị tư vấn và các đơn vị liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến để bổ sung và chỉnh sửa, hoàn thiện đề án trước ngày 22/9/2023. Đề án cần ngắn gọn, dễ hiểu, dễ triển khai và đạt hiệu quả tốt. Trong đó, cần nghiên cứu, cập nhật và điều chỉnh ranh giới thực hiện đề án, cụ thể là chi tiết các vùng nuôi, ranh giới các địa phương, các tuyến, luồng giao thông thủy…Đặc biệt, các sản phẩm nuôi được đề xuất, định hướng phải là các sản phẩm chủ lực của tỉnh, mang tính Quốc gia nhưng vẫn phải có tính riêng, đặc thù của Vân Đồn.