Huyện Vân Đồn: Nâng cao chất lượng đời sống đông bào dân tộc thiểu số

21/06/2024 10:46

Xác định công tác dân tộc là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng, những năm qua, cấp ủy, chính quyền các cấp trên địa bàn huyện Vân Đồn luôn quan tâm chăm lo, nâng cao chất lượng đời sống đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Qua đó góp phần củng cố sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, ổn định tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương, giúp đồng bào yên tâm, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Ðảng, Nhà nước.

 

Vân Đồn luôn quan tâm, nâng cao chất lượng vùng đồng bào dân tộc thiểu số

Trở lại xã Bình Dân, nơi có hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc Sán Dìu sinh sống, chúng tôi nhận thấy đời sống của bà con nơi đây đã được quan tâm chăm lo về mọi mặt. Đa phần các tuyến đường liên xã, liên thôn đều được bê tông hóa, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương hàng hóa. Ðặc biệt, các công trình hạ tầng về văn hoá, giáo dục cùng những ngôi nhà vững chãi của bà con góp phần quan trọng tạo nên diện mạo mới cho vùng quê thuần nông này.

Đồng chí Tô Văn Lưu - Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã Bình Dân cho biết: Những năm qua xã Bình Dân luôn được sự quan tâm của các cấp, các ngành từ huyện đến tỉnh và đặc biệt là trong triển khai các chỉ thị nghị quyết về chính sách dân tộc. Thông qua nhiều chính sách, dự án phát triển kinh tế - xã hội, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội, đời sống vật chất, tinh thần của bà con dân tộc thiểu số được từng bước nâng lên, trình độ dân trí ngày càng được nâng cao, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo trong xã giảm từ 25,26%. Đến nay trên địa bàn xã không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo, bộ mặt nông thôn ngày càng được ở đổi mới.

Huyện Vân Đồn có 17 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc thiểu số có trên 7.500 người, chiếm 15,09% dân số toàn huyện. 5 năm qua, Ðảng bộ, chính quyền huyện luôn quan tâm, dành nhiều nguồn lực để đầu tư, hỗ trợ nhằm giúp bà con có thêm điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Nhờ vậy, cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ở các xã đảo, xã vùng sâu vùng xa, vùng dân tộc từng bước được nâng cấp phát triển; các hộ đồng bào DTTS có thêm nguồn lực để vươn lên.

Bà con vùng đồng bào DTTS hăng say phát triển kinh tế, áp dụng khoa học, kỹ thuật để phát triển cây trồng

Ông Trần Văn Bảo, xã Đài Xuyên nói: Những năm qua được Đảng và Nhà nước quan tâm, tạo điều kiện cho gia đình tôi vay vốn từ 50 đến 100 triệu đồng để trồng hơn 1ha cam, thu nhập hàng năm từ 50 đến 100 triệu đồng. Nhờ vậy, đến nay kinh tế gia đình tôi đã tạm ổn.

Ông Trương Văn Sáng, thôn Đồng Đá, xã Bình Dân vui vẻ nói: Nhờ chính sách hỗ trợ của nhà nước, gia đình tôi đã mạnh dạn vay vốn đầu tư để nuôi gà giống bản địa. Ban đầu không dám nuôi nhiều, nuôi thử vài chục con thấy mang lại thu nhập ổn, gia đình tôi đã mạnh dạn nhân rộng ra nuôi khoảng 200 con gà và 50 con ngỗng. Thu nhập một năm khoảng 100 triệu, đời sống kinh tế cũng tạm ổn và cũng không khó khăn như ngày xưa nữa.

Nhiều chính sách hỗ trợ cho trẻ em vùng đồng bào dân tộc thiểu số được triển khai hiệu quả

Nhiều chương trình, phương án phát triển kinh tế được huyện triển khai thực hiện hiệu quả như: hỗ trợ áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất; chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; thành lập các hợp tác xã; phát triển vùng sản xuất tập trung; xây dựng các sản phẩm OCOP… Tính đến nay, có 9/12 xã, thị trấn của huyện có sản phẩm OCOP, với 48 sản phẩm (tăng 22 sản phẩm so với năm 2019), có 34 sản phẩm đã được cấp từ 3- 5 sao.

Các chính sách về giáo dục, y tế, việc làm, an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện kịp thời, đầy đủ. Toàn huyện có 31 trường công lập, trong đó 32/32 trường đều đạt chuẩn quốc gia. 100% xã có trạm y tế đạt chuẩn quốc gia.

Huyện quan tâm phát triển các sản phẩm Ocop

5 năm qua, huyện đã hỗ trợ xây mới và sửa chữa 102 căn nhà cho các đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí hơn 3,5 tỷ đồng (trong đó có 21 hộ là đồng bào dân tộc thiểu số); 544 hộ gia đình chính sách người có công, kinh phí hơn 27,7 tỷ đồng (trong đó có 136 hộ người có công là đồng bào dân tộc thiểu số). Công tác giảm hộ nghèo, cận nghèo được huyện đặc biệt quan tâm thực hiện với sự tham gia đóng góp tích cực, chủ động của các cấp, các ngành về kinh phí, nguồn lực. Tính đến tháng 5/2024 toàn huyện Vân Đồn không còn hộ nghèo, cận nghèo theo tiêu chí quy định của trung ương, của tỉnh.

Bà Trương Thị Cam, thôn Vòng Tre, xã Bình Dân chia sẻ: Trước đây gia đình tôi thuộc hộ nghèo khó khăn, nhà thì dột nát, mỗi lần mưa bão thì nước ngập vào nhà. Sau khi được đảng nhà nước và mặt trận tổ quốc hỗ trợ, gia đình tôi đã xây được  một căn nhà mới khang trang. Tôi rất cảm ơn Đảng và nhà nước, MTTQ các cấp đã tạo điều kiện giúp đỡ cho gia đình có được ngôi nhà vững chắc ổn định, để gia đình yên tâm phát triển sản xuất.

Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, huyện chú trọng bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa các dân tộc trên địa bàn. Chú trọng xây dựng các thiết chế văn hóa như: Trung tâm văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, khu, các sân vui chơi thanh thiếu niên, các phong trào, các hoạt động văn hóa thể dục thể thao được triển khai và phát triển sâu rộng. Quan tâm tu bổ, tôn tạo, phục dựng các di tích lịch sử văn hoá, đình, chùa, miếu, nghè; xây dựng Đề án “Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá dân gian truyền thống của dân tộc Sán Dìu, huyện Vân Đồn”, quan tâm truyền dạy chữ viết, giọng nói cho con em người dân tộc, duy trì phát triển CLB hát Soọng Cô, vũ điệu Hành Quang… tại xã Bình Dân.

Nghệ nhân dân gian Việt Nam Tô Thị Tạ, thôn Đầm Tròn, xã Bình Dân vui vẻ nói: Để bảo tồn di sản văn hóa dân tộc của người Sán Dìu, tôi cùng với những nghệ nhân đã duy trì dạy hát soọng cô và những lan điệu soọng cô cho các chị em trong xã có nhu cầu học, bên cạnh đó cũng luôn luôn cố gắng tuyên truyền và truyền dạy tiếng dân tộc cũng như các bài hát Soọng cô cho các thế hệ trẻ để sau này sẽ duy trì được tiếng dân tộc, tiếng mẹ đẻ của mình, biết những câu hát soọng cô, những làn điệu soọng cô. Hiểu được ý nghĩa của những câu hát, những làn điệu soọng cô nên khi học các cháu càng đam mê hơn.

Đồng bào Sán Dìu xã Bình Dân duy trì và bảo tồn di sản văn hóa dân tộc qua các làn điệu soọng cô

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vùng đồng bào DTTS cũng được đặc biệt quan tâm. Đội ngũ đảng viên là người DTTS không ngừng tăng về số lượng và chất lượng. Toàn huyện hiện có 392 đảng viên là người dân tộc thiểu số chiếm 10,02%. Có 24 cán bộ là người dân tộc thiểu số tham gia cấp ủy cấp xã, 59 người tham gia đại biểu HĐND các cấp, 12 người có uy tín. Các cấp uỷ đảng, chính quyền, mặt trận tổ quốc huyện thường xuyên quan tâm đến đội ngũ người có uy tín, tạo điều kiện để đội ngũ người có uy tín phát huy tốt vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Ông Lý Tắc Mềnh - Trưởng Ban công tác Mặt trận, người có uy tín tại thôn Đài Van, xã Đài Xuyên cho biết: Với vai trò là người uy tín trong dân tộc thiểu số của thôn Đài Van tôi luôn tuyên truyền, vận động cho bà con nhân dân ăn ở vệ sinh môi trường là sản xuất, tăng gia, xóa đói giảm nghèo. Nhờ các chính sách hỗ trợ của nhà nước về hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nhân dân đã tự tích cực lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo. Đến nay, trong thôn không còn gia đình hộ nghèo, nhân dân trong thôn hiện nay rất tin tưởng vào Đảng và Nhà nước và chính quyền các cấp.

An ninh chính trị, trật tự ATXH vùng đồng bào dân tộc thiểu số luôn được huyện đặc biệt quan tâm

Nhờ quan tâm thực hiện tốt các chính sách dân tộc đã giúp đồng bào DTTS nâng cao mọi mặt đời sống, khơi dậy tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực tự cường, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, tăng cường niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, yên tâm lao động sản xuất, từng bước vươn lên thoát nghèo. Từ năm 2019-2023, tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện bình quân đạt 27%/năm, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân đạt trên 1.100 tỷ đồng/năm. Tính đến hết năm 2023 Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện đạt 148,9 triệu đồng/người. Đến nay, toàn huyện không còn hộ nghèo và hộ cận nghèo. Đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào được nâng lên. Năm 2023, huyện Vân Đồn đã đạt chuẩn, hoàn thành chương trình Nông thôn mới cấp huyện.

Đồng chí Đào Văn Vũ - Phó Chủ tịch TT UBND huyện cho biết: Trong thời gian vừa qua cùng với việc đảm bảo các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng, an ninh, Vân Đồn đặc biệt quan tâm tới phát triển kinh tế xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi. Từ ngày 20/03/2023 ủy ban nhân dân huyện đã ban hành đề án 486 về phê duyệt dự án tổng thể phát triển bền vững kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới hải đảo đến năm 2025. Theo đó huyện đã đề ra các mục tiêu rất cụ thể, đặc biệt là 10 nhóm giải pháp, tập trung chỉ đạo ưu tiên các nguồn lực cũng như các cái giải pháp thiết thực, hiệu quả với mục tiêu là xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, biên giới hải đảo trên địa bàn huyện Vân Đồn phát triển bền vững và thu hẹp cái khoảng cách chênh lệch giữa các vùng, miền trên địa bàn huyện. Theo đó tập trung duy trì các mục tiêu là không còn hộ nghèo, không còn hộ cận nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số và đặc biệt là quan tâm đến tiêu chí về giáo dục đào tạo, giải quyết việc làm, cũng như là nâng cao chất lượng đời sống nhân dân trong vùng đồng bào dân tộc.

Đời sống của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện ngày càng được nâng cao

Phát huy những kết quả đã đạt được, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện uỷ, HĐND, UBND huyện đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tích cực thi đua lao động sản xuất, góp phần xây dựng huyện Vân Đồn phát triển toàn diện, phấn đấu trở thành Thành phố trực thuộc tỉnh vào năm 2030.

Thanh Tùng - Thanh Nga


Tìm kiếm theo chuyên mục - nội dung - ngày tháng

Tin Nóng
Tin tiêu điểm

Lịch công tác trống

Website liên kết
Thống kê truy cập
Hôm nay: 2037
Đã truy cập: 5602255