Đến năm 2030, số lượng nuôi các sản phẩm chủ lực trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn huyện sẽ tăng từ 5 – 7 lần so với năm 2025
Theo đó, mục tiêu phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực của huyện đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên 3 lĩnh vực: Lĩnh vực thủy sản gồm nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, cá biển nuôi và mực, cụ thể đến năm 2030 số lượng nuôi sẽ tăng từ 5 – 7 lần so với năm 2025; lĩnh vực trồng trọt sẽ tập trung phát triển chuỗi sản phẩm cam Vân Đồn; Đối với lĩnh vực nông nghiệp, huyện sẽ tập trung phát triển chuỗi sản phẩm cây gỗ lỡn, gỗ nguyên liệu (keo), nhựa thông.
Trên cơ sở các nội dung đã đề ra trong Kế hoạch, UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban, cơ quan, đơn vị của huyện và các địa phương tập trung tuyên truyền, tập huấn, nâng cao năng lực cho chủ thể trong chuỗi sản phẩm. Trong đó, chú trọng công tác truyền thông, phổ biến các chính sách, quy định về liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; các mô hình hiệu quả trong sản xuất, kinh doanh, lợi ích phát triển liên kết chuỗi; xây dựng các sản phẩm truyền thông đa dạng và phong phú; tổ chức tập huấn, học tập kinh nghiệm thực tế các mô hình liên kết chuỗi tại các tỉnh nhằm tạo động lực cho các chủ thể trong chuỗi mạnh dạn đầu tư, liên kết, phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm.
Đối với công tác quy hoạch, phát triển sản xuất, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sản phẩm cần ưu tiên bố trí quỹ đất xây dựng cơ sở chế biến nông lâm thủy sản gắn với vùng nguyên liệu tại cụm công nghiệp. Xác định quy mô vùng sản xuất, cơ sở sơ chế, chế biến, tiêu thụ... trong phương án quy hoạch vùng sản xuất tập trung và quy hoạch khác có liên quan, gắn phát triển vùng sản xuất, thu mua, sơ chế, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; Thực hiện khảo sát, xác định các vùng sản xuất, các cơ sở sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển; các cơ sở kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm; các chủ thể đảm bảo đủ điều kiện tham gia chuỗi liên kết sản phẩm, để làm cơ sở tổ chức triển khai thực hiện trên địa bàn; Hỗ trợ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu và áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn, chất lượng sản phẩm cho một số sản phẩm có giá trị kinh tế cao khi xuất khẩu; thực hiện việc đăng ký bảo hộ các quyền về sở hữu công nghiệp trong và ngoài nước cho sản phẩm.
Cây cam là cây trồng chủ lực của huyện
Bên cạnh đó, UBND huyện cũng chỉ đạo các phòng, ban của huyện và các địa phương quan tâm xây dựng liên kết bền vững giữa các chủ thể doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ sản xuất, sơ chế, chế biến, kinh doanh, tiêu thụ trong chuỗi sản phẩm về cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Nâng cao chất lượng, an toàn thực phẩm, xúc tiến thương mại tiêu thụ sản phẩm; đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ sinh học, vật liệu mới, công nghệ thông tin, công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản; cơ giới hóa nông nghiệp; sản xuất, sử dụng giống mới cho năng suất, chất lượng cao, thích ứng biến đổi khí hậu, đề kháng mạnh với dịch bệnh; đẩy mạnh áp dụng quy trình sản xuất an toàn, chất lượng, tăng quy mô diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ... Xây dựng, triển khai các mô hình, dự án điểm liên kết chuỗi nông sản chủ lực làm cơ sở nhân rộng trên địa bàn.
Trong quá trình tổ chức thực hiện Kế hoạch, huyện yêu cầu các cơ quan, đơn vị, địa phương triển khai tích cực, đồng bộ, hiệu quả, bảo đảm tính thống nhất, khả thi theo hướng ưu tiên nguồn lực, áp dụng các cơ chế, chính sách để hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm của Kế hoạch; phải cụ thể hoá các tác nhân trong chuỗi sản phẩm, đảm bảo triển khai đầy đủ nhiệm vụ Đề án phát triển chuỗi các sản phẩm nông sản chủ lực cấp tỉnh giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030 theo hướng dẫn của Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; trên cơ sở đó xác định lộ trình, chỉ tiêu, nội dung cụ thể, các dự án ưu tiên, nguồn lực triển khai các nội dung cho từng giai đoạn.